Rối loạn phóng noãn cản trở quá trình thụ thai tự nhiên

Thông thường, mỗi tháng sẽ có một nang trứng trong buồng trứng của người phụ nữ phát triển đến kích cỡ nhất định và rụng (hay còn gọi là hiện tượng phóng noãn). Rối loạn phóng noãn là hiện tượng trứng rụng không đều đặn, gây cản trở quá trình thụ thai tự nhiên.

Các nhân tố ảnh hưởng đến rối loạn phóng noãn

Rối loạn phóng noãn là một bệnh lý liên quan trực tiếp đến sự rụng trứng. Nguyên nhân do chu kỳ buồng trứng phức tạp đến mức một thay đổi nhỏ cũng có thể làm phá vỡ chu kỳ và cản trở quá trình phóng noãn. Trong hầu hết trường hợp chậm có con do rối loạn phóng noãn, nguyên nhân chủ yếu là mất cân bằng nội tiết tố, tức cơ thể sản xuất nội tiết tố không đủ hoặc không đúng lúc. Thiếu nội tiết tố nữ và sự thay đổi chu kỳ buồng trứng làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và giải phóng noãn hằng tháng. Việc tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn. Khi cơ thể bị căng thẳng, stress với cường độ làm việc quá mức cũng có thể dẫn tới hiện tượng rối loạn phóng noãn khiến chu kỳ kinh nguyệt trong thời điểm đó trở nên thất thường và phụ nữ sẽ không thể thụ thai trong thời điểm này.Sơ đồ rụng trứng.

Sơ đồ rụng trứng.

Các nhân tố chủ yếu dẫn đến rối loạn phóng noãn bao gồm: Rối loạn chức năng buồng trứng: não không tiết chế các chất nội tiết để kích thích buồng trứng hoạt động. Rối loạn hoạt động tại buồng trứng như các bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang. Buồng trứng bị suy, không còn nang noãn như ở phụ nữ lớn tuổi, các phụ nữ có tiền căn phẫu thuật bóc u buồng trứng hay cắt buồng trứng, các trường hợp xạ trị hay hóa trị ung thư…

Tình trạng rối loạn phóng noãn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới. Khi buồng trứng đều đặn phóng noãn, nội tiết do buồng trứng tiết ra sẽ làm cho hiện tượng xuất huyết tử cung diễn ra theo chu kỳ hằng tháng (kinh nguyệt). Rối loạn phóng noãn thường dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc hành kinh kéo dài nên rất khó thụ thai. Vì vậy, rối loạn phóng noãn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh hiếm muộn.

Rối loạn phóng noãn nhiều khi không có biểu hiện triệu chứng đặc hiệu và chỉ được phát hiện thông qua siêu âm noãn. Tuy nhiên, đa số trường hợp rối loạn phóng noãn thường được phát hiện qua một số biểu hiện rõ rệt như: rối loạn kinh nguyệt, không có kinh nguyệt trong một thời gian dài, độ nhầy tử cung có sự thay đổi bất thường, suy giảm ham muốn tình dục, béo phì, rậm lông… Khi phát hiện thấy có những bất thường trên, chị em nên đi khám chuyên khoa để điều trị kịp thời. Chỉ khi xác định rõ được nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn phóng noãn mới có thể tiến hành điều trị hiệu quả nhất.

Kích thích buồng trứng - giải pháp điều trị hiếm muộn cho các trường hợp rối loạn phóng noãn

Đa số các trường hợp rối loạn phóng noãn việc điều trị là phục hồi chức năng phóng noãn của buồng trứng, trong đó phải sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển của nang noãn buồng trứng. Thông thường, tỷ lệ có thai đạt được sau mỗi chu kỳ kích thích buồng trứng khoảng 30%.

Kích thích buồng trứng (kích trứng) là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp hiếm muộn do rối loạn phóng noãn (rụng trứng) ở nữ. Kích trứng là phương pháp sử dụng các loại thuốc nội tiết uống hoặc tiêm nhằm tạo các nang noãn trưởng thành, tăng khả năng phóng noãn (rụng trứng) để thụ thai hoặc sử dụng cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp gặp những tác dụng không mong muốn, nhất là hội chứng quá kích buồng trứng.

Các biến chứng có thể xảy ra khi kích trứng: Chảy máu âm đạo, đau trong âm đạo và có thể gây nhiễm trùng nếu dụng cụ không được khử trùng cẩn thận. Có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc làm teo buồng trứng, suy buồng trứng, thậm chí có thể gây nguy cơ ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, nó còn làm tăng nguy cơ đa thai và có thể gây vô sinh do hết nang nguyên thủy. Dù đã có những bước tiến mới trong điều trị hiếm muộn, liệu pháp kích thích buồng trứng vẫn là một hành trình đòi hỏi không ít sự kiên nhẫn, quyết tâm của người bệnh. Người phụ nữ cần chuẩn bị tốt về sức khỏe và ổn định tâm lý, phải tìm hiểu thông tin, sắp xếp thời gian phù hợp với việc điều trị bởi phương pháp này cần một quá trình dài và tốn kém. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân rất cần phải có sự theo dõi cẩn thận để tránh các biến chứng không mong muốn.

BS. SONG NHI

Những thay đổi cơ thể khi mang thai khiến bà bầu “xấu hổ”

Mùi âm đạo

Phần lớn phụ nữ mang thai sẽ có mùi cơ thể mạnh hơn khi mang thai. Đôi khi, phụ nữ mang thai sẽ có mùi âm đạo dễ nhận thấy. Đó là do sự gia tăng hàm lượng oestrogen trong ba tháng cuối khiến âm đạo tiết dịch nhiều hơn gây ra mùi khó chịu.

Trướng bụng và đầy hơi

Trong thai kỳ, bạn sẽ trải qua những thay đổi hormon. Nó sẽ làm giảm tốc độ tiêu hóa bằng cách không chỉ gây trướng bụng mà còn gây đầy hơi cho thai phụ. Tử cung phát triển có thể gây áp lực lên dạ dày, điều này khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Bạn có thể bị ợ hơi và trung tiện.

Rỉ nước tiểu

Nhiều phụ nữ mang thai khi hắt hơi, ho hay cười có hiện tượng rỉ nước tiểu. Tình trạng này có thể khiến các bà bầu xấu hổ.

Ngực tiết sữa

Ngực tiết sữa là dấu hiệu cơ thể bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho em bé. Hàm lượng cao hormon prolactin đặc biệt vào cuối thai kỳ có thể khiến chất lỏng như sữa chảy ra từ núm vú, chủ yếu khi bị kích thích.

Trĩ

Trĩ là tình trạng phổ biến của phụ nữ mang thai. Chúng thường xảy ra cùng với táo bón và căng thẳng. Nó có thể thai phụ cảm thấy mệt mỏi cùng với đau cũng như ngứa hậu môn. Cảm giác táo bón cũng có thể khiến bạn bị kích thích và có thể tạo ra những khoảnh khắc “đỏ mặt” trong thai kỳ.

Hay phải vào nhà vệ sinh

Mang thai có thể gây ra tình trạng táo bón tại một số thời điểm. Hormon thai nghén khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng, điều này có thể gây rối loạn tiêu hóa trong khoảng 8 tuần.

Nổi mụn

Mặt bị nổi đầy mụn là tình trạng phổ biến, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Các bà bầu có thể bị nổi mụn như những thiếu nữ tuổi dậy thì.

Ngực to hơn

Khi bạn mang thai, ngực sẽ phát triển hơn để chuẩn bị sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ. Khi ngực phát triển, khu vực nhạy cảm này sẽ bắt đầu căng hơn, tạo ra cảm giác ngứa. Nhiều phụ nữ không thể hết ngứa ở núm vú bị sưng lên.

Nôn và buồn nôn

Nôn và buồn nôn khiến bạn trở nên ốm yếu. Gần 85% phụ nữ bị buồn nôn trong thai kỳ. Thai phụ có thể cảm thấy buồn nôn và nôn ở bất cứ nơi nào.

Thay đổi tâm trạng

Lo lắng về tương lai và việc sắp trở thành mẹ là tâm trạng rất thường trong thai kỳ. Tâm trạng lo lắng cũng có thể dẫn đến giấc ngủ chập chờn và những giấc mơ kỳ lạ. Phụ nữ mang thai bắt đầu cảm thấy bất an khiến họ có những phản ứng khác thường bất chấp xung quanh

BS Cẩm Tú

(Theo Boldsky/ Univadis)

Lạc nội mạc tử cung

(Nguyễn Văn V. - Cà Mau)

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà trong đó tổ chức tuyến hay mô đệm của nội mạc tử cung, lạc chỗ di chuyển có mặt ở ngoài buồng tử cung và gây bệnh; có thể xảy ra bất kỳ nơi nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ở phúc mạc vùng chậu, dây chằng tử cung cùng, bề mặt buồng trứng hay mô đệm của buồng trứng.

Lạc nội mạc tử cung

Bệnh được mô tả từ năm 1800, nhưng sự hiểu biết về lạc nội mạc tử cung chỉ được thừa nhận trong thế kỷ qua, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tại Pháp thì có khoảng 1 - 2% số phụ nữ mắc bệnh, và có khoảng 15 - 20 % phụ nữ phải cắt bỏ tử cung; có tới 50% bệnh liên quan đến vô sinh, có một số trường hợp thường biểu hiện lành tính, chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động, học tập; bệnh có thể khỏi hẳn khi người phụ nữ có thai và sẽ khỏi dứt điểm khi người phụ nữ mãn kinh, vì khi ấy buồng trứng không còn hoạt động nội tiết nữa. Đây là một bệnh lý phụ thuộc nội tiết estrogen, có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích về lạc nội mạc tử cung như:

- Sự chuyển dời lạc chỗ của mô lạc nội mạc tử cung, các tế bào lạc nội mạc tử cung di chuyển trong vòng trào ngược của máu kinh, trong vòng tuần hoàn toàn thân hoặc theo đường bạch huyết đến các vị trí khác ngoài buồng tử cung và ghép lên các vị trí đó.

- Giả thuyết về miễn dịch, giả thuyết về chuyển sản của biểu mô phúc mạc thành mô lạc nội mạc tử cung…

Về triệu chứng, người bị lạc nội mạc tử cung có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, tùy cơ quan mà tế bào nội mạc tử cung đi tới; chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung ở thận thì có triệu chứng đái ra máu, ở phổi có thể ho ra máu. Tuy nhiên, phần lớn, lạc nội mạc thường xảy ra trong cơ tử cung và vùng bụng dưới, nên triệu chứng chủ yếu vẫn là đau bụng khi hành kinh, đau muộn vào ngày thứ hai hoặc ba của kỳ kinh và bệnh càng lâu ngày thì đau thường đau càng nhiều hơn; bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với một số trường hợp đau bụng ngoại khoa khác như: đau dữ dội khiến bác sĩ ngoại khoa dễ nhầm với đau do viêm phúc mạc, đau hố chậu phải dễ nhầm với bệnh lý viêm ruột thừa...

Về chẩn đoán thường dựa vào triệu chứng lâm sàng, nhưng được khẳng định qua nội soi và giải phẫu bệnh lý, nhất là trường hợp vô sinh kèm theo.

Về điều trị, hiện tại vẫn chưa có một giải pháp điều trị nào đem đến kết quả như mong đợi, trước mắt điều trị nội khoa vẫn là giải pháp căn bản, thuốc thường dùng thuộc nhóm Danazol với tên biệt dược là Anargil, liều dùng tùy theo mức độ tổn thương, thường uống 200 - 800mg /ngày, tối đa thời gian là 9 tháng, sau đó đánh giá lại kết quả; ngoài ra có thể dùng thuốc ngừa thai khác như: Orgametril, Duphaton, Norcolut, Primolut-N.. uống 1 - 2 viên ngày, uống ít nhất là 6 tháng, mục đích để ức chế hành kinh; tuy nhiên các nhóm thuốc trên cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng, vì thuốc có nhiều tác dụng phụ; về điều trị ngoại khoa, chỉ áp dụng khi bệnh nhân lớn tuổi hoặc không còn hy vọng có con, hay vì những tổn thương lạc nội mạc tử cung quá nặng.

Tóm lại, lạc nội mạc tử cung đến nay vẫn còn là một bí ẩn, chưa đến hồi kết thúc, bệnh biểu hiện thường đa dạng, trong đó đau bụng là triệu chứng thường gặp, đau vùng dưới rốn, đau theo chu kỳ kinh và có xu hướng tăng dần; đau khi giao hợp sâu, xảy ra trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt; ra máu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt, có thể xảy ra ở ngoài cơ quan sinh dục và bệnh có liên quan đến tình trạng vô sinh.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Đau bụng “ngày ấy”, vì sao?

Trong một chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi nội tiết trong cơ quan sinh sản của phụ nữ dễ gây các cơn đau bụng dưới cho chị em. Dựa vào thời điểm xuất hiện cơn đau sẽ biết đau vì nguyên nhân nào, ảnh hưởng ra sao. Các cơn đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt thông thường gồm:

Đau trước khi hành kinh: là một dấu hiệu “hội chứng tiền kinh nguyệt”. Đau kèm với căng tức vú, đôi khi nhức nửa đầu, tính tình trở nên nóng nảy, dễ bực dọc, tăng cân nhẹ, cảm giác bụng to ra và như có khối gì nén xuống…Nguyên nhân của hội chứng này là sau khi trứng rụng có sự giảm tiết progesteron - một hormon có vai trò chuẩn bị niêm mạc để trứng được thụ tinh làm tổ và giúp cho trứng phát triển. Các triệu chứng kể trên đều mất đi khi bắt đầu hành kinh.

Xuất hiện cơn đau giữa chu kỳ kinh: là hiện tượng sinh lý bình thường. Đó là cơn đau bụng do rụng trứng. Nang trứng phình to trước thời điểm phóng noãn. Vì nang noãn lớn lên ở cả 2 buồng trứng cho nên đau có thể xảy ra đồng thời ở cả 2 bên hoặc chỉ 1 bên. Hơn nữa do vỏ buồng trứng phải rách để noãn thoát ra, vì thế, chính sự phóng noãn đã gây đau ở một số phụ nữ. Đôi khi cơn đau này kèm ra nhiều chất xuất tiết âm đạo có màu trắng hay lẫn máu, thường gọi là “hành kinh ngày thứ 15”. Chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi đau, nếu nghỉ ngơi mà không đỡ thì có thể đau do nang ở buồng trứng, cần đi khám phụ khoa.

Cơn đau trong khi hành kinh: hay còn gọi là thống kinh. Đau có tính chất lan tỏa xuống âm hộ, đôi khi ra vùng thắt lưng hay khắp vùng bụng, có thể đau cấp tính, kèm buồn nôn hay nôn. Đó là cơn đau liên quan đến hiện tượng tăng co bóp của lớp cơ ở thành tử cung. Với trường hợp có u xơ tử cung nằm ở lớp cơ thành tử cung thì cơn đau càng dữ dội và sẽ hết sau khi sạch kinh.

Cơn đau xuất hiện sau khi sạch kinh: Phải nghĩ ngay đến bệnh lạc màng trong của tử cung (lạc nội mạc tử cung). Trong lòng tử cung có xuất hiện lạc chỗ các mô như các ống tuyến, mô liên kết và một số sợi cơ trơn. Cơn đau này thường xuất hiện ở các phụ nữ trẻ.

Đau trước khi hành kinh, hay đôi khi trong lúc rụng trứng và chỉ mất đi ở cuối kỳ kinh nguyệt: Đó là cơn đau trong bệnh loạn dưỡng buồng trứng. Bệnh này gây nên những biến đổi chức năng của buồng trứng, làm rối loạn hiện tượng tiết hormon.

Các cơn đau bụng liên quan chu kỳ kinh nguyệt thường gây khó chịu cho chị em nhưng không nguy hiểm và nghỉ ngơi hoặc làm việc nhẹ nhàng thì sẽ hết đau. Nếu các cơn đau có tính chất dồn dập với mức độ ngày càng tăng, kèm ra máu thì chị em cần đi khám bệnh ngay, bởi có thể liên quan bệnh lý nghiêm trọng hơn, cần được điều trị kịp thời.

BS. Song Nhi

Chửa trứng và những hệ lụy

Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch. Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng thì những hệ luỵ của nó là khó lường vì có khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.

Nguyên nhân gây chửa trứng

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học cho thấy có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Bên cạnh đó phải kể đến một số yếu tố thuận lợi: chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi, những người có thai nhiều lần, bất thường ở dạ con, những người có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A...

Dấu hiệu nhận biết

Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác, trước hết là tắt kinh, sau đó là nghén. Tuy nhiên, người chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút. Một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp. Bên cạnh nghén nặng, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt. Một triệu chứng điển hình nữa là tử cung của người chửa trứng to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng. Tuy vậy, khi sờ nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai, nếu làm siêu âm thì không thấy âm vang thai mà chỉ thấy hình ảnh của các túi dịch.

Hình ảnh chửa trứng đại thể.

Mặt khác, các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung... Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp Xquang bụng...

Hệ lụy do chửa trứng

Trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng rất nguy hiểm như sẩy thai trứng gây băng huyết nặng hoặc thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung. Khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi. Ung thư nguyên bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn xa đến các phủ tạng khác của cơ thể như gan, phổi, não, làm việc điều trị rất khó khăn.

Điều trị chửa trứng thế nào?

Cần phải nạo hút thai trứng sớm để phòng sẩy thai gây băng huyết. Sau 2 - 3 ngày lại phải nạo lại lần thứ hai và sau nạo phải dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn. Riêng đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã có đủ con không muốn có con nữa thì có thể áp dụng biện pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng trước. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi. Một điểm cần lưu ý nữa là sau khi nạo thai trứng thì bệnh nhân phải được theo dõi ngoại trú và khám định kỳ trong thời gian ít nhất là hai năm theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể: phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu 2 tuần/lần cho đến khi lượng HCG trở về bình thường. Khi HCG đã về mức cho phép, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục thử nước tiểu 4 tuần/lần trong thời gian 6 tháng, cùng với việc làm các xét nghiệm khác và siêu âm nếu cần. Mục đích là để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng của chửa trứng. Trong thời gian theo dõi, bệnh nhân không được có thai, chỉ sau hai năm theo dõi mà không thấy có biến chứng gì thì mới nên có thai lại. Và lần có thai sau thời hạn hai năm này cũng phải được khám và theo dõi chặt chẽ.

Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ. Nếu phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, quá trình thụ tinh dễ gặp bất thường. Bình thường, chửa trứng không nguy hiểm, vì khoảng 80% chửa trứng là lành tính, bệnh khỏi sau khi nạo lấy hết nhau thai hoặc cắt dạ con ở người không có nhu cầu sinh đẻ nữa. Khoảng 10-15% chửa trứng trở thành loại xâm nhập, bệnh ăn sâu vào thành dạ con gây chảy máu và các tác hại nguy hiểm khác. Khoảng 2-3% chửa trứng trở thành ung thư nhau thai. Khi đã thành ung thư nhau thai, bệnh phát triển nhanh, lan rộng, di chuyển tới các nơi khác như phổi, não, gan... gây hậu quả khó lường.

BS. Phạm Minh Nguyệt

Tập thể dục tốt cho người sống sót sau ung thư vú

Các nhà nghiên cứu Canada đã phân tích 67 bài báo được công bố để xem thói quen nào tạo khác biệt lớn nhất trong việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú hoặc tử vong.

Tiến sĩ Ellen Warner, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm ung thư Sunnybrook Odette và là giáo sư tại Đại học Toronto cho biết, tập thể dục mang lại lợi ích lớn nhất, giúp giảm khoảng 40% nguy cơ tử vong do ung thư vú.

Phụ nữ đáp ứng mức độ tập thể dục được khuyến nghị có mức giảm nguy cơ cao hơn. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị tập thể dục ít nhất 30 phút với cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày/tuần hoặc 75 phút tập luyện gắng sức kết hợp với 2-3 bài tập tăng sức bền mỗi tuần.

Ngoài tập thể dục, tổng quan cũng phát hiện ra rằng, tăng hơn 10% trọng lượng cơ thể sau khi có chẩn đoán liên quan với tăng nguy cơ tử vong. Không có chế độ ăn đặc trưng nào được phát hiện là tốt hơn trong việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.

Nghiên cứu về việc cai thuốc lá và tái phát ung thư vú cũng chưa đưa ra kết quả, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng, bỏ thuốc lá là cần thiết đối với sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, bổ sung vitamin C có thể giúp ích, và vitamin D cũng giúp duy trì sức khỏe xương, vốn bị tác động bởi liệu phát hóa trị và hormone.

Còn chưa rõ tại sao tập thể dục mang lại nhiều lợi ích như vậy cho bệnh nhân ung thư vú. Song các nhà nghiên cứu cho rằng, những người chăm tập thể dục thường có lối sống lành mạnh. Tập thể dục cũng giúp giảm tác dụng phụ từ liệu pháp hormone và có tác dụng chống viêm.

Các kết quả tổng quan được đăng trên tạp chí CMAJ (Canadian Medical Association Journal) ngày 21/2.

BS P.Liên

(Theo Healthday)

Những bài thuốc tự nhiên giúp điều hòa kinh nguyệt

Gừng

Gừng là bài thuốc dân gian có tác dụng giảm đau tuyệt vời và giúp điều hòa kinh nguyệt. Gừng kích thích kinh nguyệt, điều tiết lưu thông máu trong kỳ kinh bị chậm. Lấy một mẩu gừng chứng một đốt ngón tay, đập dập và đun sôi trong nước khoảng 5-7 phút. Thêm một chút đường hoặc mật ong tùy thích. Uống 3 lần mỗi ngày sau bữa ăn trong ít nhất 1 tháng bạn sẽ thấy hiệu quả.

Hạt vừng với đường thốt nốt

Hạt vừng có tác dụng cân bằng hormone. Hợp chất lignans trong hạt vừng giúp loại bỏ hormon dư thừa. Mặt khác đường thốt nốt giúp kinh nguyệt lưu thông nhờ tác dụng làm ấm. Khi kết hợp cùng nhau, hạt vừng và đường thốt nốt giúp điều hòa kinh nguyệt. Rang khô 5 thìa hạt vừng. Cho thêm một thìa đường thốt nốt vào và xay thành bộn mịn. Dùng một thìa hỗ hợp này hàng ngày khi đói 2 tuần trước hoặc 2 tuần sau khi có kinh.

Đu đủ xanh

Đu đủ xanh có đặc tính làm co các sợi cơ trong tử cung, vì vậy rất có tác dụng điều hòa kinh nguyệt. Làm nước ép đu đủ từ đu đủ xanh và uống thường xuyên trong vài tháng. Không bảo quản loại nước này quá một tuần trong tủ lạnh. Tốt nhất nên xay tươi mỗi ngày.

Quế

Quế là vị thuốc có tính ấm và nhờ vậy nó được coi là rất hữu ích trong điều hòa kinh nguyệt. Quế cũng có tác dụng giảm đau bụng kinh rất tốt. Cho 1,5 thìa bột quế vào một cốc sữa ấm và đun sôi. Uống sữa này vài tuần cho tới khi thấy những thay đổi tích cực. Bạn cũng có thể uống trà quế, rắc quế vào thức ăn và nhai quế thường xuyên.

Nha đam

Lô hội rất hiệu quả trong điều tiết hormon và đối phó với kinh nguyệt không đều. Bạn có thể uống nước ép nha đam bán sẵn hoặc chiết xuất gel nha đam từ lá nha đam. Trộn một thìa mật ong với gel này. Uống hàng ngày khi đói trong vài tháng

Hạt rau mùi

Hạt rau mùi giúp tăng cường lưu thông kinh nguyệt và điều hòa chu kỳ kinh. Xay khoảng 1 thìa hạt rau mùi cho vào 2 cốc nước và đun sôi 5 - 7 phút cho tới khi nước cạn chỉ còn một cốc. Lọc lấy nước và uống 3 lần 1 ngày trong 3 tới 4 ngày trước kỳ kinh hàng tháng.

Giấm táo

Giấm táo điều tiết hàm lượng đường huyết và cũng giúp điều hòa kinh nguyệt một cách tự nhiên. Lấy 1-2 thìa giấm táo và pha với một cốc nước. Uống 1 lần/ngày trước bữa ăn, trước kỳ kinh.

Sữa bơ và hạt củ cải

Hạt củ cải có tính ấm và giúp điều hòa kinh nguyệt. Xay 2 thìa hạt củ cải, cho vào 1 cốc sữa bơ và khuấy đều. Uống hỗn hợp này mỗi ngày trong vài tháng cho tới khi các triệu chứng cải thiện.

Bạc hà

Bột bạc hà khô rất tốt trong điều trị kinh nguyệt không đều. Trộn một thìa mật ong với một thìa bột bạc hà và sử dụng 3 lần trong ngày trong 1 tháng.

Lá húng quế

Lá húng quế có tác dụng giảm đau tuyệt vời. Uống trà húng quế rất có lợi trong điều hòa kinh nguyệt. Bạn có thể làm trà húng quế bằng cách cho vài lá húng quế vào nước và đun sôi. Cho thêm một chút đường hoặc mật ong. Hoặc có thể giã nát vài lá húng quế tươi và cho thêm mật ong. Rắc một chút hạt tiêu vào hỗn hơp này và uống 1 lần mỗi ngày trong vài tháng.

Hoa dâm bụt

Hoa dâm bụt giúp cân bằng hàm lượng oestrogen và pregesteron trong cơ thể. Nó rất có hiệu quả trong điều hòa kinh nguyệt. Giã nát hoa dâm bụt tươi thành hỗn hợp mịn. Dùng loại hỗn hợp này pha với nước ấm và uống khi bụng đói. Nên uống liền 1 tuần trước khi kinh nguyệt bắt đầu.

Nghệ

Nghệ có tính nóng và cũng là loại thuốc giảm đau tuyệt vời. Sử dụng bột nghệ giúp cân bằng hormon trong cơ thể, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt không đều. Lấy 1/4 thìa bột nghệ và cho vào một cốc sữa và uống. Dùng sữa bột nghệ hàng ngày sẽ có cải thiện nhanh chóng.

Mướp đắng

Mướp đắng vô cùng có lợi trong việc kiều hòa chu kì kinh nguyệt. Uống nước mướp đắng 1 hoặc 2 lần/ngày cho tới khi kinh nguyệt ổn định.

BS Cẩm Tú

(Theo Boldsky)